Duy Tân Edu xin giới thiệu chương trình Tiếng Anh Toàn Diện cho trẻ từ 4 - 14 tuổi sẽ khai giảng vào đầu tháng 6: - Con được học trực tiếp với người nước ngoài - Nâng cao 4 kỹ năng; Nghe, nói, đọc, viết - Đầy đủ các cấp độ học từ cơ bản đến chuyên sâu Các mẹ để lại Sđt để Duy Tân Edu tư vấn nhé <3 -----Duy Tân Edu----- Liên hệ: 0903421579 �� Cs 1: Ngõ 62, Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. �� Cs 2: Khu Đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. �� Cs 3: Thành Công, Ba Đình, Hà Nội.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Tại sao phải Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ


TẠI SAO PHẢI RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ?

♦  Cha mẹ nào sinh con ra cũng mong con mình khỏe mạnh, thông minh và cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển. Tuy nhiên bên cạnh việc chăm sóc để con phát triển thể chất, dạy dỗ con để con học hành giỏi giang, nhiệm vụ giúp con định hướng, xây dựng và phát triển các kỹ năng sống cơ bản là không thể thiếu được. Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều học sinh thông minh, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng vì thiếu, yếu các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nên gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và quá trình xin việc, đi làm.

♦  Muốn có được kết quả tốt nhất trong định hướng, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ phụ huynh phải hiểu rõ con, hiểu rõ những kiến thức giáo dục kỹ năng sống cần thiết. Mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt về khả năng, có trẻ sinh ra đã tự tin hơn trẻ khác, có trẻ lại dễ dàng hòa đồng hơn, trong khi có bạn lại rất có khả năng lãnh đạo… Bồi dưỡng cho trẻ những kỹ năng sống, những thói quen tốt không phải là việc một sớm một chiều mà là cả một quá trình và phải chọn đúng thời điểm thích hợp với độ tuổi của trẻ để bắt đầu mới có kết quả tốt nhất.

   Dưới đây là một số kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mà phụ huynh cần lưu ý:

1.      Giúp trẻ tự tin

♦  Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp mang lại thành công và kết quả tốt nhất trong mọi việc. Tự tin không phải là tất cả nhưng nếu thiếu điều này, không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều khó đạt được những thành công trong trường học và cuộc sống.
♦  Sự tự tin giúp trẻ thể hiện được mình trong các mối quan hệ xã hội, giúp trẻ không ngần ngại khám phá những điều mới mẻ thú vị trong cuộc sống, trau dồi và học tập các kiến thức, kỹ năng. Tự tin cũng giúp trẻ vượt qua được những khó khăn, trở ngại mà bất kỳ ai cũng sẽ phải đối mặt trong cuộc đời.

2.      Dạy con kỹ năng giao tiếp

♦  Ngay từ khi trẻ chào đời, kỹ năng giao tiếp đã là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ tồn tại và phát triển. Giai đoạn đầu, trẻ giao tiếp qua cử động tay chân, qua biểu cảm ánh mắt, qua tiếng khóc… Lớn hơn, kỹ năng giao tiếp của trẻ được hình thành và hoàn thiện dần qua ngôn ngữ, cử chỉ… Có thể khẳng đinh, giao tiếp là một trông những năng lực cần thiết nhất để trẻ phát triển và sinh tồn trong cuộc sống.
♦  Phụ huynh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp trẻ trau dồi kỹ năng giao tiếp. Tạo môi trường phù hợp cho con, tạo điều kiện cho con hòa đồng với những người xung quanh, cho con cơ hội, khuyến khích con tương tác, giao tiếp với bạn bè… là những việc không thể

3.      Kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ

♦  Con người sinh ra và lớn lên không có ai chỉ có một mình. Trong cuộc sống chúng ta có gia đình, có bạn bè, có đồng nghiệp, có các mối quan hệ xã hội. Trong cuộc sống hiện đại các mối quan hệ xã hội ngày càng rộng mở và là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc biết cách hòa đồng, biết cách làm việc theo nhóm, tận dụng sức mạnh, ưu thế của tập thể để đạt được kết quả tốt nhất trong học tập và công việc là một trong những kỹ năng quan trọng.

♦  Đối với trẻ em, bố mẹ nên định hướng và trau dồi cho con những kỹ năng học nhóm, làm việc nhóm ngay từ nhỏ. Điều này không chỉ giúp cho trẻ hòa đồng hơn với những người xung quanh mà còn giúp cho trẻ có được kết quả tốt nhất trong học tập và lao động.

4.      Dạy con giá trị của lao động và cách kiếm tiền, tiêu tiền

♦  Rất nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em sống tại các thành phố lớn thường được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ. Trẻ hầu như không phải làm bất kỳ việc gì dù là việc nhỏ nhất và hoàn toàn phù hợp với khả năng của lứa tuổi. Việc duy nhất trẻ phải làm đó là học và chơi. Khi trẻ cần tiêu tiền vào việc học thêm, ăn quà vặt, mua quà tặng bạn…, nhiều phụ huynh cũng khá dễ dãi trong việc chu cấp, thường là cho tiền ngay mà không hỏi rõ mục đích. Tất cả những điều này dẫn đến việc trẻ ngày càng thiếu tính tự lập, hay đòi hỏi, luôn muốn dựa dẫm vào người khác, không hiểu được giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền.
♦  Trong cuộc sống hiện đại, việc dạy con biết lao động và quý trọng thành quả lao động, dạy cho con ứng xử như thế nào với tiền bạc là việc rất quan trọng. Giáo dục con giá trị của lao động giúp con có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Giáo dục con nhận thức về giá trị của đồng tiền và việc tiết kiệm sẽ giúp con tránh được những quan niệm sai lầm về tài chính, giúp con trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm với các quyết định tài chính cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

5.      Dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân

♦  Trẻ con vốn luôn hiếu động, hiếu kỳ và muốn khám phá những điều mới lạ. Trong cuộc sống ngày nay, khi xã hội ngày càng hiện đại, càng phát triển thì những mối nguy hiểm cho trẻ con ngày càng nhiều. Những nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ tiềm ẩn không chỉ ở gia đình, ở trường học, ngoài đường mà còn ở bất kỳ đâu trong cuộc sống này.

♦  Đa phần các bậc cha mẹ đều ý thức được điều này, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng có phương pháp dạy con những kỹ năng bảo vệ bản thân đúng đắn. Sự lựa chọn thường gặp của phụ huynh đó là  tìm cách nghiêm cấm con tiếp xúc với các rủi ro. Việc chỉ nghiêm cấm mà không giáo dục, trau dồi các kỹ năng bảo vệ bản thân càng kích thích tính tò mò, muốn khám phá trong trẻ và không mang lại nhiều tác dụng.
♦  Để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm phụ huynh cần giúp trẻ hình thành thói quen và kỹ năng cần thiết. Ngoài ra cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ biết những mối nguy hiểm và kỹ năng ứng phó với nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải trong gia đình, ở trường học và ngoài xã hội phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

6.      Chuẩn bị hành trang kỹ năng sống cho trẻ sắp bước vào lớp 1

♦  Bước vào lớp 1 được coi là một hành trình lý thú trong cuộc đời của trẻ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cảm thấy tự tin để bước vào những hành trình như thế. Nếu không vượt qua được sự khủng hoảng về tâm lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của trẻ, tại sao lại vậy?
♦  Chuyển môi trường học tập mới đồng nghĩa với việc trẻ phải làm quen với nhiều điều mới lạ, trẻ phải đối mặt và làm quen với những quy định mới, những mối quan hệ mới với thầy cô, bạn bè…Những điều này thường làm trẻ lo lắng, một số trẻ không được chuẩn bị tốt về kỹ năng và tâm lý dễ dẫn đến thái độ co cụm bản thân, không dám thể hiện mình trước mọi người.
♦  Các bậc phụ huynh thường chú trọng cho con học các môn trước khi vào lớp 1 nhưng điều đó có thật sự cần thiết? Theo nhiều chuyên gia giáo dục, điều quan trọng hơn học chữ, học toán lúc này chính là việc trẻ được trang bị tâm lý, kỹ năng học tập, sinh hoạt để có thể tự tin bước vào môi trường mới.

 ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------


PHẦN I: PHƯƠNG PHÁP GIÚP TRẺ TỰ TIN


    Khi một đứa trẻ chào đời, đó là một sự khởi đầu cho một hành trình với tên gọi “cuộc đời”. Ai sinh ra cũng có một cuộc đời nhưng mỗi người sống một cuộc đời không giống nhau, có người thành công, có người thất bại; người giàu có, người nghèo khổ,..

   Cái tạo ra sự khác biết không chỉ đơn thuần đến từ xuất phát điểm của mỗi người. Đương nhiên những trẻ em ở trong điều kiện sống tốt sẽ có được sự phát triển thuận lợi hơn. Nhưng điều này không có nghĩa đứa trẻ nào trong gia đình giàu có lớn lên cũng dễ thành công và ngược lại đứa trẻ nào trong gia đình nghèo lớn lên cũng có khả năng thất bại. Có thể khẳng định yếu tố quyết định thành công hay thất bại 99% nằm ở giáo dục. Một nền giáo dục toàn diện, phù hợp giúp tạo ra một con người có hiểu biết, văn minh, có đạo đức, có lối sống lành mạnh và thích nghi được với cuộc sống, đạt được những thành công trong cuộc sống. Bàn về phạm vi hẹp hơn trong giáo dục, việc có được nền tảng kiến thức hay kỹ năng thôi là chưa đủ, biết cách vận dụng, ứng dụng và tự tin để làm việc đó mới là điều quan trọng.

   Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của sự tự tin. Tự tin giúp một đứa trẻ có thể giao tiếp, sẵn sàng hòa đồng, sẵn sàng học hỏi những điều mới lạ, sẵn sàng thể hiện bản thân và chia sẻ những điều mình biết, mình nghĩ với những người xung quanh.

    Tại sao trong cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều trẻ em nhút nhát, thiếu tự tin?

Không phải đứa trẻ nào sinh ra đã có tính cách này. Di truyền từ bố mẹ hay bản tính nhạy cảm, dễ hoảng sợ chỉ có ở một phần nhỏ trẻ em. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường sống: trẻ thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ dẫn đến lo âu, nhút nhát; trẻ không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với cộng đồng; trẻ thường xuyên bị chê bai, chọc ghẹo, trẻ “được” kỳ vọng quá nhiều so với khả năng…

   Trẻ nhút nhát: Lợi bất cập hại.

Một số phụ huynh không để ý đến tác hại của vấn đề này vì họ gần như chỉ nhìn thấy những điểm tích cực ở trẻ nhút nhát. Trẻ nhút nhát vẫn có thể học giỏi, trẻ nhút nhát thường dễ bảo, ngoan ngoãn, lễ phép… Tuy nhiên đây chỉ là những biểu hiện tích cực ngắn hạn, chứa đựng nhiều rủi ro về lâu dài. Nếu cứ tiếp tục như vậy, những đứa trẻ mắc phải tình trạng này không chỉ gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như cô độc, ít niềm vui; ít bạn bè, khó hòa đồng; lo sợ thường xuyên dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí dẫn đến đau dạ dày, đau đầu…Nếu không được phát hiện và “chữa trị” sớm, đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: trẻ lớn lên thành người lớn nhút nhát và không có cơ hội để trở thành những người thành đạt trong cuộc sống.

   Những điều phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ tự tin.

– Bố mẹ nên làm gương cho con: Trong cuộc sống hàng ngày, trong cư xử, giao tiếp… bố mẹ cần thể hiện sự tự tin, bản lĩnh. Nếu bố mẹ cũng tỏ ra rụt rè, nhút nhát thì con cái khó có thể tự tin được.
– Đừng bao giờ dán nhãn “nhút nhát” cho con.
– Tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi.
– Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi, hoạt động thể thao có yếu tố tập thể.
– Khen ngợi, khuyến khích con khi con có những tiến bộ.
– Cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống phù hợp.

  --------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN II: BÍ QUYẾT GIÚP CON TỰ TIN GIAO TIẾP


   Hoạt động giao tiếp là hoạt động rất quan trọng đối với con người, đặc biệt đối với trẻ thì điều này luôn được quan tâm hàng đầu. Giao tiếp được nảy sinh từ nhu cầu của con người, muốn trao đổi, nói chuyện, truyền đạt những suy nghĩ của bản thân thông qua phương tiện chính là ngôn ngữ.

   Ngôn ngữ là đặc trưng của xã hội loài người giúp phân biệt giữa con người với các loại động vật khác. Ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt của tư duy nhận thức. Chính vì vậy, ngay từ những tháng đầu đời cần phải chú trọng việc giao tiếp của trẻ thông qua ngôn ngữ nói, hành động phi ngôn ngữ như cử chỉ tay chân, nét mặt, cách trẻ muốn người khác hiểu được những mong muốn của bản thân như đói, đau, buồn, vui…

Để trẻ có thể tự tin giao tiếp với mọi người xung quanh, các bậc cha mẹ cần trang bị cho con những điều sau đây:

1. Phát triển ngôn ngữ nói của trẻ


♦  Ngôn ngữ nói rất quan trọng đối với trẻ trong hoạt động giao tiếp với thế giới xung quanh. Việc dạy trẻ tiếp cận sớm những từ đơn giản, tên của các đồ vật, con vật …xung quanh trẻ sẽ giúp cho trẻ hình thành cho mình nền tảng ban đầu để có thể phát âm những từ ngữ khó hơn sau này.

♦  Người ta thường nói “Câm hay đi liền với điếc” vì vậy dạy trẻ nói sớm cũng là cách phát hiện trẻ có phát triển bình thường về thính giác và khả năng nói của bản thân hay

♦  Ngôn ngữ là phương thức biểu đạt của tư duy, có nghĩa trẻ muốn người khác hiểu mình đang nghĩ gì, đang muốn gì thì cần phải thể hiện thông qua lời nói. Muốn ngôn ngữ của trẻ phát triển và biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách chính xác thì ngay từ khi trẻ tập nói cần phải dạy cho trẻ cách nói đủ câu, nói những câu đơn giản có nghĩa.
♦  Khi trẻ muốn nhờ người khác thì cần phải nhắc trẻ nói chứ không được lắc đầu, chỉ tay, cầm tay mà không nói nếu không sẽ hình thành cho trẻ thói quen không tốt.

2. Phát triển ngôn ngữ cơ thể của trẻ


♦  Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng đối với sự tự tin trong giao tiếp của trẻ. Chỉ phát triển ngôn ngữ nói chưa đủ mà cần phải chú trọng đến ngôn ngữ cơ thể của trẻ sẽ giúp trẻ giao tiếp tự nhiên, thoải mái hơn với người khác.
♦  Ngôn ngữ cơ thể như tay, nét mặt khi kết hợp với ngôn ngữ nói sẽ tạo ra sự uyển chuyển, mềm mại, tự nhiên của người nói đối với người đối diện. Khi trẻ nói thì cha mẹ cần hướng dẫn cho con cách nói đúng câu và sử dụng cử chỉ tay chân một cách thoải mái nhất, giống như khi chúng ta đi thì phải vung tay…Ví dụ, khi dạy con kể chuyện thì phải dạy con cách kể đúng ngữ điệu của nhân vật, biểu cảm nét mặt, củ chỉ tay chân phải phù hợp với từng nhân vật.
♦  Khi trẻ phát triển tốt về ngôn ngữ sẽ kích thích sự sáng tạo của trẻ qua việc trẻ đặt ra nhiều câu hỏi, thể hiện những cảm xúc yêu thương, buồn vui một cách rõ ràng.

3. Giúp trẻ tự tin giao tiếp bằng cách tạo ra nhiều cơ hội để trẻ giao tiếp


♦  Muốn trẻ tự tin giao tiếp thì cần phải thường xuyên tạo cho trẻ có môi trường để giao tiếp. Trẻ không thể giao tiếp tốt nếu suốt ngày chơi một mình mà cần phải giao lưu với nhiều người, nhiều môi trường khác nhau.

♦  Khi ở nhà, cha mẹ hãy giành thời gian để nói chuyện cùng với con như dạy con nói đủ câu, câu có nghĩa; đọc chuyện sau đó đặt câu hỏi cho con để con trả lời, hát cùng con, đưa ra nhiều tình huống phản xạ trong sinh hoạt hằng ngày …

♦  Thường xuyên cho trẻ đến những nơi đông người để trẻ có cơ hội được nói chuyện, tiếp xúc với người khác; cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ năng khiếu … để trẻ có nhiều cơ hội vui chơi, thể hiện bản thân trước chỗ đông người.

♦  Để trẻ tự tin đi học mà không sợ hãi, hòa nhập với các bạn hoặc tự tin khi đến môi trường lạ thì hãy tạo nhiều cơ hội để trẻ có thể tiếp xúc sớm với môi trường lớp học, nói cho con biết trước các thông tin về nơi mình sắp đến để trẻ chuẩn bị sẵn tâm lý.

♦  Ngoài ra, người lớn nên lắng nghe những ý kiến của con, sau đó phân tích cho con ý kiến đó đúng hay sai chứ không nên gặt bỏ những điều đó sẽ làm cho trẻ ngại bày tỏ những suy nghĩ, mong muốn của bản thân.

  ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN III: DẠY TRẺ CÁCH LÀM VIỆC NHÓM HIỆU QUẢ


   Việc hình thành và trau dồi các kỹ năng sống cơ bản cho trẻ là điều vô cùng cần thiết bởi kỹ năng sống chính là những hành trang cơ bản để các em bước vào đời. Có thể kể tới những kỹ năng cơ bản cần thiết cho trẻ hiện nay như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bản vệ bản thân, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm…

   Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, việc tổ chức làm việc theo nhóm ngày càng phổ biến. Làm việc theo nhóm chính là sự tập hợp của hai hay nhiều nhóm người gộp lại, cùng đặt ra một mục tiêu nhất định để hoàn thành những công việc chung. Các thành viên trong nhóm phải tự nhận thức bản thân của họ như một cá thể trong xã hội, đồng thời cũng phải nhận thức việc làm của mình sẽ có ý kiến quan trọng trong một môi trường tập thể là như thế nào. 

Lợi ích của làm việc nhóm

Làm việc nhóm cũng là một trong những cách giúp con người làm việc, học tập chủ động hơn và có kết quả hơn. Sự hợp tác trong công việc, học tập và nghiên cứu là một trong những phương pháp tốt nhất để đi đến thành công. Cái ta tưởng là khó thì đối với những người khác lại rất dễ dàng, cái ta thiếu thì người khác lại dư…Vì vậy, làm việc nhóm là sự cộng hưởng tốt nhất cho mọi người.

Trẻ em với làm việc nhóm

Đối với trẻ em, bố mẹ nên định hướng và trau dồi cho con những kỹ năng học nhóm, làm việc nhóm ngay từ khi các em còn nhỏ. Điều này không chỉ giúp cho trẻ hòa đồng hơn với những người xung quanh mà còn giúp cho trẻ có được kết quả tốt nhất trong học tập và lao động. Làm việc nhóm sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp, biết cách tự khẳng định bản thân mình trong môi trường tập thể, đồng thời giúp trẻ có thể phát huy cá tính, sự sáng tạo, biết hợp tác với những đứa trẻ khác để hoàn thành những công việc chung.
Phụ huynh có thể áp dụng những phương pháp đơn giản để dạy trẻ cách làm việc nhóm như:
♦  Làm gương cho con.
♦  Luôn cho con cảm giác mình là thành viên của một nhóm.
♦  Khuyến khích con chơi các môn thể thao đồng đội.
♦  Khuyến khích con học nhóm.
♦  Cho con làm một số việc phù hợp với độ tuổi cùng bố mẹ, anh chị em, bạn bè.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên dành thời gian phân tích, đánh giá hoặc gợi ý cho trẻ tự đánh giá kết quả của các hoạt động nhóm mà trẻ tham gia để trẻ thấy được vai trò của tập thể, những lợi ích khi cùng hoạt động nhóm.

Các hoạt động làm việc nhóm cho trẻ trên lớp học

Trên lớp học, giáo viên có thể tổ chức các hoạt động vui chơi, có yếu tố “teamwork” như: tổ chức trò chơi tập thể, chia lớp thành nhiều đôi nhỏ, phân công nhiệm vụ của từng nhóm, tìm ra vai trò của người lãnh đạo trong nhóm…Qua đó, trẻ không chỉ được tự do khám phá, sáng tạo, mà trẻ còn tự biết quan tâm, chia sẻ với bạn bè xung quanh với mọi người, và trẻ cũng tự tìm được sự hứng thú, vui vẻ trong quá trình học tập.
Việc mỗi trẻ em đều được trang bị các kỹ năng sống cần thiết điều đó chắc chắn sẽ giúp các bé ngày càng tự tin hơn và có tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ điều đó thực sự cần thiết và là nền tảng vững vàng cho trẻ phát triển tốt nhất.

 ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN IV : DẠY CON GIÁ TRỊ LAO ĐỘNG

   Cha mẹ nào cũng luôn mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con của mình từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Tuy nhiên, phụ huynh bảo bọc con mình quá kỹ, khiến bé không thích nghi được với môi trường xung quanh, khả năng tự lập thấp và dẫn đến những sai lệch trong nhận thức lẫn hành động. Vì thế nhà trường và gia đình cần phải tìm ra những phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi phù hợp để trẻ rèn luyện kỹ năng sống tự lập ngay từ bậc học mầm non

NHỮNG BƯỚC DẠY CON KỸ NĂNG SỐNG TỰ LẬP

Bước 1: Dạy cho trẻ những kỹ năng rèn luyện cần thiết.

   Trước hết, cha mẹ phải dạy con tự lập sống dựa vào chính đôi tay của mình ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ em từ 2 tuổi trở đi đã dần nhận thức được mọi thứ xung quanh và đây cũng là giai đoạn quan trọng để cha mẹ áp dụng phương pháp dạy trẻ 2 tuổi hiệu quả nhất. Trẻ phải thành thục những kỹ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi như:
- Kỹ năng chăm sóc bản thân: Bé nên biết tự dọn dẹp đồ chơi, tự thay quần áo, tự đánh răng, tự đi, tự ăn…
- Kỹ năng giữ gìn vệ sinh: Bé nên biết đi vệ sinh đúng nơi, xả nước sau khi đi vệ sinh, cho quần áo bẩn vào máy giặt, bỏ rác đúng nơi quy định…
- Kỹ năng giúp đỡ người khác: là một trong những cách nuôi dạy trẻ 4 tuổi bố mẹ nên cho trẻ biết giúp đỡ người khác là một việc tốt và nên được thực hiện thường xuyên. Những công việc nhẹ, bé có thể giúp được như bật quạt, bật tivi (vị trí thấp), lấy chén ăn cơm, xách phụ đồ đạc, tưới cây…

Bước 2: Cha mẹ phải kiên nhẫn khi con mình cố gắng tự lập 

   Khi con trẻ cố gắng làm một điều gì đó vì tính tò mò hoặc cũng có thể là bắt chước người khác thì cha mẹ phải kiên nhẫn chờ đợi xem con đã làm đúng hay chưa. Đó cũng là phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi biết cách xử lý và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực.
Ví dụ: Bé đang cố gắng mang giày vào chân, bạn nên hướng dẫn cách mang giày nhưng không nên nóng vội mà trực tiếp làm thay bé.

Bước 3: Xây dựng tính tổ chức ngay tại gia đình

   Mọi hoạt động và việc làm của các thành viên trong gia đình đều có thể được bé ghi nhận lại và sẽ bắt chước làm theo. Bạn có thể chú ý hoặc nghe những câu hỏi từ trẻ và từ đó tìm ra cách dạy trẻ tự lập hợp lý nhất. Đó cũng chính là một phương pháp dạy trẻ 5 tuổi mà phụ huynh cần tham khảo.
Ví dụ: Khi bạn nhặt rau, bạn nên giải thích và hướng dẫn để con bạn có thể hiểu cách nhặt rau và tại sao phải nhặt rau, từ đó, bé hình thành suy nghĩ và hành động đúng đắn về các công việc phụ giúp gia đình.


Bước 4: Phân công công việc cho bé

   Mỗi người trong gia đình đều có công việc riêng nhưng trách nhiệm chung vẫn là vun đắp cho tổ ấm. Vì vậy, mỗi phương pháp giáo dục trẻ từ độ tuổi mầm non của bố mẹ đều ảnh hưởng tới thói quen của con mình.
Ví dụ: Khi bố đi làm về thì bé có thể giúp bố cất áo, cất nón và các hành động này nên được khuyến khích lặp lại thường xuyên. Đây là kỹ năng và là cách dạy trẻ 5 tuổi mà nhiều phụ huynh áp dụng thành công.

Bước 5: Dạy con kỹ năng sống bằng cách khuyến khích trẻ làm việc

   Việc dạy con kỹ năng sống bằng cách khen ngợi đem đến những biểu hiện tích cực cho bé. Bé sẽ vui mừng hơn khi được cha mẹ khen ngoan, khen giỏi. Điều này sẽ khuyến khích những hành động tốt của bé trở thành thói quen, hình thành tính cách cho bé sau này.
Bố mẹ cũng nên khen thưởng bằng những món quà nho nhỏ để bé càng thích thú hơn. Tuyệt đối không nên thưởng tiền khi bé chưa bé hiểu hết được giá trị của nó.

Phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 - 6 tuổi trong kỹ năng sống tự lập

Đây là giai đoạn đầu đời của trẻ, chính vì vậy mà cha mẹ cần chú ý trong các phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 – 6 tuổi, không nên quá bao bọc trẻ quá kỹ điều này sẽ giúp con bạn chậm thích nghi với các môi trường xung quanh, ngoài gia đình.

Phương pháp dạy trẻ 2 tuổi: Rèn luyện các kỹ năng tự lập

Đối với trẻ lúc lên 2 bắt đầu nhận thức được các vấn đề đơn giản xung quanh trong cuộc sống, lúc này phụ huynh nên rèn luyện bé các kỹ năng tự chăm sóc bản thân tự chơi, tự ăn, tự uống nước và thay áo quần khi bẩn…Bên cạnh đó các mẹ cũng nên tập cho con mình thói quen giữ gìn vệ sinh. Đây là phương pháp dạy trẻ 2 tuổi mà phụ huynh cần biết.

Phương pháp dạy trẻ 4 tuổi về kỹ năng tự lập

Các ông bố bà mẹ muốn dạy trẻ 4 tuổi tốt cần tham khảo và đọc thêm các tài liệu hướng dẫn để uốn nắn và giúp bé phát huy tối đa khả năng, sở thích của bản thân.
Với những cách nuôi dạy trẻ 4 tuổi trong kỹ năng sống tự lập như phụ giúp bố mẹ làm việc như dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, tự bỏ áo quần bẩn của mình vào máy giặt…dù đây là những việc vặt nhưng sẽ giúp trẻ hình thành các thói quen và suy nghĩ tích cực ngay từ khi còn nhỏ.

Phương pháp dạy trẻ 5 tuổi: khuyến khích trẻ làm việc

Khi trẻ bắt đầu ngưỡng cửa 5 tuổi thì các bậc làm cha làm mẹ nên đưa ra các cách dạy trẻ 5 tuổi như khuyến khích và lắng nghe các ý kiến, suy nghĩ của con mình.
Bên cạnh đó phụ huynh cũng nên đưa ra các phương pháp dạy trẻ 5 tuổi thích hợp với lứa tuổi hiếu động, thích thể hiện của bé.

 ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN V: DẠY TRẺ KỸ NĂNG BẢO VỆ BẢN THÂN


   Xã hội hiện đại mang đến cho cuộc sống con người nhiều tiện ích, sự thoải mái nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là đối với con trẻ. Điều này đòi hỏi mỗi trẻ đều phải có những kỹ năng để xử lý cũng như bảo vệ chính bản thân mình.
Ngay khi trẻ sinh ra, bố mẹ đã cố gắng tạo ra môi trường an toàn cho trẻ. Giai đoạn trẻ bước đi thành thạo và làm chủ được những hoạt động của mình: chạy, nhảy,.. việc hướng cho trẻ những việc an toàn và không an toàn bắt đầu hình thành. Theo thời gian, những kỹ năng ấy ngày càng nhiều thêm bởi tính tò mò và khả năng làm chủ hành động của trẻ.
   Bất cứ một sự vật nào hiện ra đều trở thành một đề tài thu hút đối với trẻ. Đó được coi là cơ hội để mở rộng kiến thức nhưng đồng thời cũng có thể là mối nguy hại khôn lường đối với trẻ. Việc trang bị cho trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ giúp trẻ có thể an toàn hơn và tự tin hơn để khám phá cuộc sống muôn màu.

Kỹ năng bảo vệ bản thân là gì?

 

♦  Kỹ năng bảo vệ bản thân là những hiểu biết của một người về những sự việc xung quanh mình cũng như cách để hành động đúng, an toàn đối với sự vật đó. Trẻ có kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ biết cách làm thế nào để tránh xa những mối nguy hiểm hoặc khám phá thế giới trong phạm vi an toàn.
♦  Giai đoạn từ 4 đến 12 tuổi có thể coi là giai đoạn mà trẻ dễ gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất. Bởi ở giai đoạn này, trẻ thích khám phá nhưng lại chưa có những kỹ năng cơ bản để tìm hiểu thế giới.

Một số kỹ năng bảo vệ bản thân cha mẹ có thể trang bị cho trẻ:


Kỹ năng an toàn khi tự chơi

♦  Đây được coi là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các bậc phụ huynh trong thời gian gần đây. Hiện nay do tính chất của công việc cũng như điều kiện của mỗi gia đình, việc tự chơi của các con rất phổ biến. Trong quá trình chơi, các con có thể gặp phải những mối nguy hiểm từ những đồ vật trong gia đình như phích nước, ổ điện, bếp ga, đồ dùng nhà bếp, cầu thang và những đồ vật nhỏ. Các con cần hiểu được đâu là đồ chơi, đâu là đồ dùng trong gia đình; đâu là đồ vật an toàn và đồ vật không an toàn,…

Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể

♦  Ở Việt Nam, vấn đề cho con tìm hiểu về vấn đề này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khá nhức nhối trong xã hội hiện nay. Để đảm bảo cho con có những kiến thức cơ bản về vấn đề bảo vệ thân thể cũng như cách phòng tránh khi bị xâm hại cơ thể, cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết. Cha mẹ hãy giúp con hiểu được thế nào là hành động xâm phạm thân thể, nếu bị xâm hại cơ thể các con nên ứng xử ra sao.

Kỹ năng ứng xử khi bị lạc

♦  Với nhu cầu vui chơi giải trí hiện nay, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị lạc xảy ra nơi công cộng. Các bậc phụ huynh nên giúp trẻ có những kiến thức ứng xử cần thiết khi bị lạc như: Con nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì? Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà. Tuy nhiên khi trẻ đang hoảng sợ chưa chắc trẻ đã nhớ chính xác những thông tin này, vì thế tốt hơn hết nên cho trẻ mang theo mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.

Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông

♦  Đây là một kỹ năng quan trọng đối với trẻ khi tham gia vào xã hội. Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu được một số loại biển báo cơ bản, một số loại đường cơ bản, một số người có vai trò trong việc điều hành giao thông, cách sang đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư.

Một số nguyên tắc khi dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân


Thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ, tạo niềm tin trong trẻ

♦  Nói chuyện là cách đơn giản nhất không chỉ giúp trẻ hiểu được vấn đề mà còn giúp kéo gần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Thường xuyên nói chuyện với con sẽ giúp bố mẹ tạo dựng niềm tin với con. Đây là tiền đề tốt để bố mẹ có thể nắm bắt và giải quyết được những vẫn đề xảy ra xung quanh con một cách tốt nhất. Cha mẹ có thể chọn những khoảng thời gian thích hợp như thời gian đi dạo, cùng nhau làm việc nhà: gấp quần áo, nhặt rau,…bữa cơm gia đình.

Khi trẻ sai, nên giải thích cho trẻ, không nên quát mắng trẻ.

♦  Đây là lỗi thường thấy ở các bậc phụ huynh. Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ thường không đủ bình tĩnh để giải thích cho con những nguyên nhân dẫn đến vấn đề ạ. Đối với vấn đề này, cha mẹ nên đặt mình vào tình huống của con trẻ để xử lý. Phương pháp cuối cùng của mọi phương pháp mới là sự trách phạt.

Tập thói quen cho trẻ hiểu về nguyên nhân- kết quả

♦  Ở giai đoan này, trẻ nóng lòng muốn thể hiện mình. Cùng với đó, tư duy của trẻ bắt đầu phát triển mạnh hơn giai đoạn trước. Trẻ bắt đầu nhận thức được về nguyên nhân và kết quả. Nếu cha mẹ thường xuyên rèn luyện cho trẻ tư duy này, trẻ sẽ biết cách hành động đúng hơn trong các tình huống của cuộc sống.

Sử dụng đóng kịch để giúp trẻ hiểu được những tình huống và cách giải quyết tình huống

♦  Theo các nhà khoa học: Trẻ hiểu được 10% những gì trẻ nghe; 40% những gì nhìn thấy; 60% những gì trẻ nhắc lại (nói) và khoảng 90% những gì trẻ nói và làm. Do vậy, đây có thể coi là cách tốt nhất để trẻ có thể hiểu được những tình huống có thể xảy ra trong thế giới muôn màu cũng như cách xử lý thông minh nhất.

Đưa ra những quy tắc an toàn và không an toàn, được phép và không được phép

♦  Quy tắc an toàn- không an toàn, được phép và không được phép là một trong những quy tắc đơn gian mà cha mẹ có thể thực hiện ngay ở tại gia đình mình. Để thực hiện quy tắc này, cha mẹ cần là người làm gương cho trẻ. Với mỗi quy tắc, cha mẹ nên đặt ra những mức thưởng- phạt rõ ràng để tạo niềm tin trong trẻ. Nếu cần sửa đổi hay bổ sung quy tắc, cha mẹ nên thống nhất và giải thích rõ ràng với con cái.
Kỹ năng bảo vệ bản thân là một trong những kỹ năng xuất hiện sớm, được hoàn thiện trong một quá trình lâu dài và theo chúng ta trong suốt cuộc đời. Do vậy, việc rèn luyện cho con kỹ năng này sẽ là hành trang quan trọng giúp con tự tin và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống hiện đại.

 ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN VI: HÀNH TRANG KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ SẮP BƯỚC VÀO LỚP

 

   Mỗi một hành trình đều cần có những hành trang thiết yếu đi theo. Bước vào lớp 1 cũng được coi là một hành trình lý thú trong cuộc đời của trẻ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cảm thấy tự tin để bước vào những hành trình như thế. Vậy các bậc cha mẹ có thể làm thế nào để giúp con có một hành trang tốt bước vào trường học đúng nghĩa đầu đời? Để làm được điều đó, các bậc cha mẹ cần hiểu: Trẻ cần những kỹ năng gì trong giai đoạn tiền học đường này?

   Dưới đây là một số gợi ý cho các bậc phụ huynh có con trong giai đoạn này.

1. Rèn luyện cho con kỹ năng quan sát

Đây là một trong những kỹ năng quan trọng để giúp trẻ tự tin trong cuộc sống. Một đứa trẻ có khả năng bao quát tốt thường dễ hòa đồng với mọi người hơn những đứa trẻ khác. Hơn nữa, việc rèn luyện cho con có kỹ năng quan sát tốt sẽ giúp con dễ dàng bắt nhịp với việc học ở lớp 1 hơn. Để làm được điều này, các bậc phụ huynh có thể thường xuyên đưa con ra ngoài chơi và nói chuyện cùng con, cùng con quan sát những sự vật xung quanh.

2. Rèn luyện cho con khả năng tập trung

 Trẻ bước vào lớp 1 được coi như bước sang một môi trường mới, hoàn toàn khác. Thầy cô mới, bạn bè mới, cách học mới. Trẻ không còn được thay đổi trò chơi một cách liên tục mà thay vào đó là một tiết học 45 phút. Việc cha mẹ rèn luyện cho con khả năng tập trung tốt sẽ giúp con thấy bài học ở trường thú vị hơn, con tiếp thu bài dễ hơn và không bị mệt mỏi. Việc rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ cần thời gian và tính kiên trì. Các bậc cha mẹ cần tạo cho trẻ không gian yên tĩnh và một khoảng thời gian riêng tư. Có thể là những trò chơi ráp hình, LEGO hay những trò chơi tư duy khác.

3. Dạy con ngồi học đúng tư thế

Đây được coi là một trong những kỹ năng tối quan trọng mà trẻ cần có được khi bước vào môi trường học tập thật sự. Việc ngồi học đúng cách không chỉ giúp cho các bé học tập hiệu quả hơn mà còn bảo vệ thị lực của bé. Ngày nay, đã có rất nhiều công cụ hỗ trợ việc ngồi học đúng tư thế của bé như bàn học, ghế ngồi, đèn chiếu sáng. Cha mẹ cũng có thể mua cho con bức tranh về tư thế ngồi học và cùng con rèn luyện hàng ngày. Điều này chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả cho con bạn.

4. Dạy con kỹ năng giao tiếp

Để trẻ có thể hòa nhập tốt với bạn bè, trẻ cần được rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt. Trẻ cần học cách giới thiệu bản thân, cách nói lời cảm ơn, xin lỗi cũng như cách bày tỏ ý kiến của mình. Những điều ấy giúp trẻ thêm tự tin và thấy việc học ở trường thú vị hơn. Cha mẹ có thể chơi đóng vai và tạo ra các tình huống ở trường để cả nhà cùng tham gia. Và điều tất nhiên, trẻ sẽ học hỏi từ đó. Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là những bạn nhỏ cùng tuổi.

5. Dạy con cách làm việc nhóm

Đây là một trong những kỹ năng thiết yếu trong môi trường học tập hiện đại. Trẻ biết làm việc nhóm cũng là khi trẻ hòa đồng thực sự với bạn bè. Trẻ hiểu cách kiềm chế cảm xúc, bày tỏ ý kiến, bảo vệ ý kiến cũng như lắng nghe ý kiến của người khác. Điều này không chỉ giúp trẻ có được kiến thức tốt nhất mà còn giúp trẻ có những người bạn “cùng tiến” thực sự.

6. Dạy con “chơi” với các con chữ và số

Điều này thường đã được các bậc cha mẹ thực hiện. Tuy nhiên, nên sắp xếp việc học của trẻ sao cho hợp lý để trẻ có nhiều nhất thời gian vui chơi và nghỉ ngơi. Tốt nhất, ở giai đoạn này, trẻ chỉ nên học giống như đang chơi những trò chơi.

Bên cạnh việc dạy cho trẻ những kỹ năng vào lớp 1, các bậc cha mẹ cũng nên chuẩn bị cho trẻ tâm lý đến trường. Các bậc cha mẹ có thể nói chuyện với con về trường học, về những điều con sẽ được học ở trường mới. Cha mẹ cũng có thể cho con đến thăm trường trước ngày con nhập học để làm quen. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cùng con chuẩn bị góc học tập cùng con, chọn bàn học, giá sách, trang trí cùng trẻ, chuẩn bị đồ dung học tập cùng trẻ. Đối với những bố mẹ có thời gian, các bố mẹ có thể cùng trẻ chơi trò chơi đóng vai lớp học để giúp trẻ hình dung tốt hơn về lớp học.
Sẽ còn những cảnh hồi hộp của mẹ cha khi ngày đầu con nhập học. Sẽ còn những cảnh sốt ruột đợi chờ cho ngày đầu của con nhanh kết thúc, để hỏi han, để yêu thương. Nhưng để giúp con tự tin bước vào lớp học cũng như để chính các bậc cha mẹ yên tâm phần nào đối với ngày đầu đến lớp của con, việc trang bị những kỹ năng tiền học đường luôn có những ý nghĩa nhất định.

 Sưu tầm và tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DEAR A/C :